Ăn chay theo nghĩa thông thường là ăn các loại thực vật chứ không ăn động vật.
Thực ra việc ăn chay không phải chỉ cho ngày rằm và mùng một mà còn nhiều ngày khác, tuy nhiên nếu ăn nhiều ngày hoặc ít ngày thì những ngày như rằm và mùng một vẫn là ưu tiên đầu tiên.
Có nhiều loại và nhiều nghĩa ăn chay:
Ăn chay trường: ăn chay suốt đời.
Ăn chay kỳ: mỗi tháng ăn chay vài ngày, hoặc mỗi năm ăn chay vài tháng.
Ăn chay theo Phật giáo là vì thương chúng sinh nhất là hữu tình có mạng sống, hễ ai có mạng sống cũng tham sống sợ chết như nhau. Thế thì bản thân mình cũng tham sống sợ chết nên mình nghĩ con vật cũng thế. Vì lòng từ bi xem mạng sống bình đẳng nên không giết hại, ăn thịt.
Ăn chay theo một số người là vì sức khỏe: ăn chay để cân bằng dinh dưỡng, ăn chay để đẹp da, ăn chay để trường thọ, ăn chay để chữa bệnh… tuy là ăn chay nhưng chỉ xuất phát từ lợi ích bản thân chứ không phải là vì nghĩ thương chúng sinh.
Ăn chay của một số người vì bảo vệ thế giới động vật. Có nghĩ đến động vật nhưng xuất phát từ việc ngăn chặn nạn tiệt chủng của động vật, hoặc là đặc thù công việc mình làm.
Ăn chay khác với ăn kiêng:
Ăn kiêng theo kiểu “cử cái húp nước” của một số tôn giáo.
Kiêng cử một số món vì mục đích chữa bệnh.
Nhịn vào ban ngày ăn vào ban đêm của một số tôn giáo.
Kiêng cử một số động vật như gà, heo, bò…của một số giáo phái tôn giáo vì nó xuất phát từ một lý do nào đó có liên quan mật thiết đến việc hình thành tôn giáo của họ.
Hiện nay có phong trào ăn chay hoặc vì xuất phát từ sự giác ngộ mà nhiều người nhất là Phật tử đã phát nguyện ăn chay. Số ít trường chay và số đông là chay kỳ. Ăn chay kỳ có nhiều ngày. Ví dụ một tháng ăn 2 ngày vào rằm và mùng một; hoặc 4 ngày: rằm,14, mùng 1, mùng 2; hoặc ăn chay 10 ngày… Dù ăn chay mấy ngày thì ngày rằm và mùng một cũng được xem là ngày mà người ta tuân thủ trước hết.
Thế thì nguyên nhân sâu xa nào có việc này. Trước hết xuất phát từ tôn giáo cổ xưa. Tôn giáo cổ xưa thường khuyên tín đồ ăn chay vào 2 ngày trên. Lý do này cực kỳ khoa học. Trong một tháng, vào đêm tối trời nhất là mùng một và sáng trăng nhất là rằm là những ngày mà trái đất dường như gần mặt trăng hơn cả. Tối rằm thì trăng sáng tỏ, điều này dể cảm nhận; nhưng đêm mùng một mặt trăng gần ở bề mặt bên kia của trái đất. Mặt trăng có sức hút đối với nước nên vào những ngày trên thủy triều dâng mạnh. Trong cơ thể người khoảng 2/3 là nước nên cũng đồng chịu hiệu ứng hút nước của mặt trăng. Việc hút ở đây không phải là mặt trăng hút hết nước trong đại dương hoặc trong cơ thể người nhưng đây chỉ là sự hấp dẫn và có lực hút nghiêng về phía đó. Trong cơ thể người: nước là âm mà âm có tính chạy lên và tác động hệ thần kinh não bộ. Điều đó khiến tâm trí rối loạn, bất an.
Vì thế vào những ngày trên cơ thể con người thường cảm thấy khó chịu, tâm lí bất an dể dẫn đến manh động. Nếu bình thường ai nói xốc một câu thì bạn có thể nhẫn nhục được nhưng nếu vào ngày đó cùng với câu nói ấy bạn có thể phản ứng hoặc chửi nhau, đánh nhau, thậm chí giết hại nhau một cách dể dàng. Lí do là tâm sinh lí đang bất ổn, xáo trộn, không tự chủ, điềm đạm, kiềm chế được. Đó là cái lí do mà ngày xưa các tôn giáo nhất là Phật giáo đã buộc các đệ tử tín đồ ăn chay và tập trung tụng giới, sám hối nghiệp chướng vào những ngày trên. Nhằm giảm thiểu những hành vi và tội lỗi bất thường xảy ra.
Ăn thịt có tính hăng mạnh nên tính khí con người cũng hung dữ hơn. Vào những ngày rằm mùng một, tính khí đã bất an, khó tự chủ cộng với ăn thịt nữa thì con người dể phạm tội. Cho nên Phật giáo khuyên ăn những thứ nhẹ nhàng, thanh khiết vào các ngày trên để tính khí bớt hung hăng cũng như nguy hiểm cho bản thân cũng như xã hội.
Vào những ngày này giấc ngủ thường gặp ác mộng.
Kinh nguyệt và tinh khí vào những ngày này cũng có xu hướng thoát ra ngoài.
Vào những ngày này nên hạn chế uống nước, nhất là bia, rượu, thuốc lá, vì những thứ này có âm tính cao và chạy hướng lên não bộ làm rối loạn thần kinh.
Những người tu thiền khó định tâm vào ngày rằm mùng một, do đó các ngày này nên dành để sám hối và tụng giới.; nhất là nên ở yên một trú xứ chứ không nên đi lại hoặc giao tiếp với những người không thiện chí.